SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN QUẢN LÝ NGHĨA TRANG LIỆT SĨ THÀNH PHỐ CẦN THƠ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY CHẾ LÀM VIỆC
của Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 06/QĐ-BQLNTLS ngày 09 tháng 3 năm 2020
của Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ)
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN
Điều 1. Tên gọi của Ban
Tên gọi chính thức để hoạt động và giao dịch bằng tiếng Việt của Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ là “Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ”.
Điều 2. Vị trí, chức năng của Ban:
Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ được thành lập từ năm 2017 theo Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thành lập Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Địa chỉ: Quốc lộ 1, khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Hộp thư điện tử công vụ: bqlntlstpct_soldtbxh@cantho.gov.vn
Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ (sau đây ghi tắt là Ban) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng: Tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do các đơn vị tìm kiếm, quy tập trong và ngoài nước bàn giao; tiếp nhận, cải táng hài cốt liệt sĩ do thân nhân liệt sĩ di chuyển từ các nghĩa trang liệt sĩ trong nước về an táng theo nguyện vọng của gia đình; lập danh sách, sơ đồ mộ liệt sĩ và nội dung ghi bia liệt sĩ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ban có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản, có trụ sở riêng và chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban
1. Quản lý, bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên, và các công trình khác của nghĩa trang liệt sĩ, bảo đảm luôn sạch, đẹp và trang nghiêm.
2. Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ, xác nhận để làm căn cứ thanh toán chế độ thăm viếng mộ liệt sĩ theo quy định.
3. Phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ theo quy chế viếng nghĩa trang liệt sĩ của thành phố.
4. Phối hợp cơ quan liên quan xem xét, tham mưu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những trường hợp thân nhân, gia đình có liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ đang quản lý có nguyện vọng cất, bốc, di dời hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà theo quy định.
5. Phối hợp, xây dựng kế hoạch nâng cấp, tu bổ các phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ hàng năm báo cáo lãnh đạo Sở xem xét, quyết định.
6. Phối hợp, huy động các nguồn lực để tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục nghĩa trang liệt sĩ theo quy định.
7. Quản lý tài chính, tài sản của Ban theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.
8. Quản lý nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố (khi được cơ quan có thẩm quyền giao).
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quyết định.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC
TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO BAN, CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN
Điều 4. Cơ cấu tổ chức, số lượng người làm việc của Ban
1. Lãnh đạo Ban gồm: 01 Trưởng Ban và không quá 02 Phó Trưởng Ban.
Trưởng Ban là người đứng đầu Ban, quản lý và điều hành các hoạt động của Ban theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trưởng Ban quyết định các biện pháp để thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn của Ban theo quy định nêu trong Quyết định này và các quy định của pháp luật.
Khi Trưởng Ban vắng mặt, một Phó Trưởng Ban được Trưởng Ban ủy quyền bằng văn bản để điều hành các hoạt động của Ban.
Phó Trưởng Ban là người giúp Trưởng Ban trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của Ban; trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Trưởng Ban và giải quyết các công việc khác do Trưởng Ban giao; chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với Lãnh đạo Ban do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ quyết định theo quy định phân cấp hiện hành.
2. Các bộ phận chuyên môn, gồm có:
- Bộ phận Hành chính - Kế toán;
- Bộ phận Bảo vệ - Chăm sóc.
Việc chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với viên chức và người lao động thuộc Ban do Trưởng Ban quyết định theo quy định phân cấp hiện hành.
3. Số lượng người làm việc và chỉ tiêu hợp đồng lao động
Số lượng người làm việc và chỉ tiêu hợp đồng một số loại công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Ban do Ủy ban nhân thành phố Cần Thơ giao hàng năm trong tổng số biên chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các Bộ phận chuyên môn thuộc Ban
1. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận Hành chính - Kế toán
- Giúp Lãnh đạo Ban quản lý về công tác tổ chức bộ máy, điều động, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch công chức, viên chức, định hướng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Lập danh sách, sơ đồ mộ liệt sĩ và nội dung ghi bia liệt sĩ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ, xác nhận để làm căn cứ thanh toán chế độ thăm viếng mộ liệt sĩ theo quy định.
- Phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ theo quy chế viếng nghĩa trang liệt sĩ của thành phố.
- Giúp Lãnh đạo Ban tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện công tác thi đua khen thưởng, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, tổng hợp báo cáo và thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo theo quy định của đơn vị và của ngành. Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nội quy, quy chế của cơ quan và các quy định về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
- Giúp Lãnh đạo Ban tổ chức quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí hoạt động của Ban theo đúng chế độ quy định của Nhà nước; Quản lý và sử dụng tài sản, vật tư của Ban, các loại quỹ, thực hiện giải quyết chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Pháp luật.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận Bảo vệ - Chăm sóc
- Quản lý, bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên, và các công trình khác của nghĩa trang, bảo đảm luôn sạch, đẹp và trang nghiêm.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ và quản lý các lĩnh vực hoạt động của Ban. Phân công bố trí, tuần tra, canh gác trực chuyên môn (24/24 giờ), kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự Ban.
- Thực hiện chế độ giao ban, giao ca, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tài sản, vật tư trang thiết bị của Ban, trang bị, quản lý, bảo quản, sử dụng tốt công cụ hỗ trợ, đảm bảo an toàn hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.
- Liên hệ phối hợp cơ quan công an và chính quyền địa phương để hỗ trợ bảo vệ Ban, xử lý tình huống vượt quá khả năng của Ban.
Điều 6. Trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động
1. Công chức, viên chức và người lao động thuộc Ban có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế hoạt động của Ban; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
2. Viên chức thuộc Ban có trách nhiệm thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của viên chức quy định tại Chương II, Luật Viên chức số 58/2010/QH12, ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội; các nhiệm vụ do Trưởng ban phân công và các quy định khác của pháp luật.
3. Người lao động làm việc tại Ban có trách nhiệm thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của nhân viên quy định tại Điều 5, Chương I, Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội, tuân thủ nội quy lao động, Quy chế cơ quan các nhiệm vụ do Trưởng ban phân công và các quy định khác của pháp luật.
Chương III
CỞ SỞ VẬT CHẤT CỦA BAN
Điều 7. Tiêu chuẩn về môi trường, khuôn viên và trụ sở
1. Môi trường và khuôn viên của Ban bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
1.1. Ban phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông; môi trường, khuôn viên xanh, sạch, đẹp, trang nghiêm phù hợp với Nghĩa trang liệt sĩ;
1.2. Có hệ thống thoát nước; có nơi đổ rác, chất thải thường xuyên và các biện pháp phù hợp để xử lý rác, chất thải;
1.3. Cổng Ban có biển ghi tên và địa chỉ rõ ràng; xung quanh toàn Nghĩa trang có hàng rào kiên cố và đèn chiếu sáng nhằm đảm bảo sự an toàn cho trụ sở và toàn bộ phần mộ liệt sĩ, mộ cán bộ lão thành cách mạng.
2. Cơ sở vật chất của Ban bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
2.1. Hệ thống nhà làm việc, nhà tưởng niệm ghi danh các anh hùng chiến sĩ phải kiên cố, đảm bảo an toàn, tránh được mưa bão;
2.2. Cung cấp đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác của từng bộ phận thuộc Ban: Bộ phận Hành chính - Kế toán (máy vi tính, máy in, máy photo…), Bộ phận Bảo vệ - Chăm sóc (các dụng cụ hỗ trợ cắt tỉa cây kiểng, dàn loa các loại… phục vụ vào các lễ viếng);
2.3. Các hệ thống bảo đảm an toàn cho khuôn viên và phần mộ, bao gồm việc lắp đặt các hệ thống camera, điện và các nguồn thoát nước một cách phù hợp.
Điều 8. Tiêu chuẩn trang phục của Bộ phận Bảo vệ
- Trang phục của lực lượng bảo vệ cơ quan được trang bị theo quy định của Thông tư 08/2016/TT-BCA. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị Lãnh đạo Ban sẽ xem xét, cấp phát đồng phục cho nhân viên bảo vệ. Cụ thể như sau:
+ Mũ mềm: 01 cái/người/năm.
+ Quần áo: 02 bộ/người/năm.
+ Giày da: 01 đôi/người/năm.
+ Vớ: 02 đôi/người/năm.
+ Dây lưng: 01 cái/người/01 năm.
- Đối với trang phục học các lớp tự vệ cơ quan: 02 bộ/người/02 năm.
Chương IV
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN, TÀI CHÍNH
Điều 9. Nguyên tắc hoạt động của Ban
1. Ban chịu sự chỉ đạo và quản lý toàn diện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, về chuyên môn nghiệp vụ phối hợp cùng Phòng Chính sách thuộc Sở trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Ban hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; phát huy quyền làm chủ tập thể của công chức, viên chức và người lao động. Ngăn ngừa và chống các biểu hiện quan liêu cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác của công chức, viên chức và người lao động.
3. Các công việc quan trọng mang tính chất tập thể phải được bàn bạc dân chủ công khai trong Ban Lãnh đạo, trên cơ sở ý kiến tập thể Trưởng ban là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Điều 10. Nguyên tắc làm việc trong Ban Lãnh đạo
1. Ban Lãnh đạo làm việc theo nguyên tắc: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phó Trưởng ban được phân công phụ trách mảng công việc chuyên môn nào thì chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành, giải quyết công việc trong mảng công việc đó, nhưng đồng thời phải nắm được những nội dung công việc của các Bộ phận khác, để sẵn sàng thay thế khi có yêu cầu phân công.
2. Khi giải quyết công việc không thuộc phạm vi được phân công, do Trưởng ban đi vắng, hoặc công việc có liên quan thì chủ động tham khảo ý kiến của các Bộ phận chuyên môn, đồng thời có trách nhiệm báo cáo lại Trưởng ban để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành tiếp theo.
3. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền và còn có ý kiến khác nhau thì phải xin ý kiến Trưởng ban quyết định.
Điều 11. Quản lý tài chính, tài sản
1. Ban thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật.
2. Ban thực hiện tự chủ về kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
3. Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí, Ban phải thực hiện công khai, dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật.
4. Ban có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật về Văn phòng Sở và Ban Giám đốc Sở.
Chương V
THỜI GIỜ LÀM VIỆC, CHẾ ĐỘ HỘI HỌP
Điều 12. Thời giờ làm việc của Ban
1. Ban thực hiện chế độ làm việc 8 giờ/ngày hoặc 40 giờ/tuần. Trưởng ban có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày, tuần hoặc theo ca, nhưng phải thông báo trước cho công chức, viên chức và người lao động biết.
2. Trưởng ban căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị phân công bộ phận cụ thể làm theo giờ hành chính và bộ phận cụ thể làm theo ca cho phù hợp.
3. Trưởng ban và viên chức, người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ, nhưng không được quá 200 giờ/năm.
4. Thời gian làm việc cụ thể của ngày làm việc như sau:
4.1. Đối với bộ phận làm theo giờ hành chính:
- Buổi sáng: Từ 07 giờ 00 đến 11 giờ 00.
- Buổi chiều: Từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00.
4.2. Đối với bộ phận Bảo vệ:
- Chế độ trực 12 giờ/24 giờ do công tác đặc thù của Ban được chấm công, tiền làm thêm giờ hàng tháng trong năm nhưng không vượt mức 30 giờ/người/tháng theo quy định của Luật Lao động
- Cá nhân Trực ca ngày và ca đêm sẽ được nghỉ ra ca vào ngày hôm sau.
Điều 13. Tổ chức sinh hoạt, học tập chính trị nghiệp vụ hàng tháng
Ban dành 01 buổi trong tháng để tổ chức sinh hoạt, học tập chính trị, nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người lao động, nội dung sinh hoạt, học tập này do Trưởng ban trao đổi, thỏa thuận với cấp ủy Chi bộ, Tổ trưởng Công đoàn để lựa chọn và quyết định.
Điều 14. Chế độ hội họp
1. Định kỳ hàng tháng (trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 15), Lãnh đạo Ban tổ chức họp giao ban nhiệm vụ với các Bộ phận chuyên môn để trao đổi công việc cũng như giải quyết những khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động của Ban; hàng năm có tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm cũ và triển khai nhiệm vụ năm mới.
2. Các cuộc họp đột xuất khác doTrưởng ban triệu tập các thành viên dự họp đối với các Bộ phận có liên quan theo quyền hạn của mình.
Chương VI
MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC
Điều 15. Đối với các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở
1. Ban phối hợp chặt chẽ với các Phòng chuyên môn và các đơn vị có liên quan thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
2. Định kỳ tháng, quý, 06 tháng và hàng năm, báo cáo công tác cho các phòng chuyên môn, các đơn vị có liên quan thuộc Sở và Ban Giám đốc Sở về tình hình hoạt động của Ban theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 16. Đối với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện
Ban có mối quan hệ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ, tạo điều kiện để hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 17. Đối với chính quyền địa phương
Luôn giữ mối quan hệ thường xuyên và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương nơi Ban đặt trụ sở làm việc để hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hàng năm thực hiện đăng ký cơ quan văn minh, cơ quan có đời sống văn hóa tốt tại cơ sở theo quy định.
Chương VII
THÔNG TIN LIÊN LẠC
Điều 18. Thông tin liên lạc:
Ban thực hiện hệ thống thông tin liên lạc để giao dịch, trao đổi công việc qua các phương thức như sau:
Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ.
- Địa chỉ: Khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng thành phố Cần Thơ
- Điện thoại: 0292.3846472
- Email: bqlntlstpct_soldtbxh@cantho.gov.vn
Chương VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, giao các Bộ phận thuộc Ban triển khai đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động biết để thực hiện và niêm yết công khai Quy chế này tại trụ sở của Ban.
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung các Bộ phận báo cáo, đề xuất Trưởng ban xem xét giải quyết./.
TRƯỞNG BAN
Ngô Hùng Lâm