Ngày 20-8-2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị tọa đàm “Thành phố Cần Thơ đồng hành cùng người có công với cách mạng trong chuyển đổi số”. Trên 140 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành TP có liên quan, đại diện Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện; đại diện người có công với cách mạng trên địa bàn TP tham dự.
Hội nghị nhằm giúp các đại biểu nắm được những kiến thức về chuyển đổi số, góp phần nâng cao hơn chất lượng trong công tác quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, TP.Cần Thơ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt là mở tài khoản ngân hàng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tạo điều kiện để các cô chú tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
TS. Trần Thị Xuân Mai cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng sẽ góp phần xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.
Tại hội nghị, các đại biểu được các diễn giả giới thiệu về ứng dụng di động Cần Thơ Smart và những giá trị mang lại; những tiện ích của thanh toán điện tử, ví điện tử, quét mã QR thanh toán; lợi ích của việc khai thác, sử dụng lại giấy tờ, kết quả điện tử từ Kho dữ liệu cá nhân (tái sử dụng); lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cách thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công TP.Cần Thơ, Cổng dịch vụ công quốc gia; nộp hồ sơ nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất”; hướng dẫn cách tra cứu hộ nghèo trên địa bàn TP.Cần Thơ; giới thiệu về lợi ích của việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; ứng dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) và những giá trị mang lại.
Trong phần tọa đàm, các chuyên viên và đại biểu đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt thời gian qua trên địa bàn TP.Cần Thơ. Các chuyên viên cũng trực tiếp giải đáp các thắc mắc của đại biểu đặt ra từ thực tiễn khi triển khai thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục đề xuất các giải pháp thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
Hiện nay, số đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn TP.Cần Thơ có thẻ (đã được cấp tài khoản, mở thẻ ATM) là 1.728/4.920 đối tượng. Còn 630/4.920 đối tượng không đăng ký được tài khoản chiếm tỷ lệ khoảng 12% trên tổng số đối tượng người có công với cách mạng. TP đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 1.728 đối tượng người có công với số tiền 3 tỷ 759 triệu đồng, tỷ lệ đối tượng được chi trả qua tài khoản đạt tỷ lệ 40,27% (vượt 10,27%) trên tổng số đối tượng người có công TP.Cần Thơ quản lý có đủ điều kiện mở thẻ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở ngành liên quan đã trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng không đăng ký được tài khoản, trong đó có biện pháp là cho các đối tượng nhận tiền mặt như trước. Nội dung này cũng được cử tri phản ánh và đề nghị TP tạo điều kiện để các trường hợp đặc biệt này được nhận tiền trợ cấp trực tiếp (qua nhân viên bưu điện chi trả) như trước đây.
Nguồn: giaoduc.edu.vn